PHML's Diary

Saturday, October 23, 2010

ngốc thôi mà


Source photo
Lâu ơi là lâu trước đây tôi vốn dĩ là đứa thù dai, và có trí nhớ cực tốt. Giờ già lão hoá cộng với việc dùng thuốc nhiều nên đầu óc cũng lú lẫn đi nhiều. Không biết sau này già có bị Alzheimer không, hy vọng rằng không sống quá lâu để bị mắc bệnh.

Muốn biết trí nhớ tôi tốt thế nào thì phải tìm người mà tôi chơi chung với họ cách đây hơn 7 năm trước, mà tôi chẳng biết họ có nhớ tôi là ai hay không (^__^). Còn giờ thì tôi chẳng thể nhớ được một tiếng trước tôi đã làm gì. Thậm chí tôi không biết một ngày của mình đã trôi qua thế nào. Và càng ngạc nhiên hơn, có lúc như người thoát khỏi mộng du. Và rằng chừng đó thời gian đi qua, tôi đã sống thế nào.

Trí nhớ không tốt cũng có mặt hay của nó. Có lẽ đó là cách tôi thích nghi với cuộc sống, là cách tôi trốn tránh nỗi buồn để tiếp tục tồn tại. Nếu trí nhớ quá tốt, những câu nói, những hình ảnh làm ta đau đớn cứ như cuộn phim được thu lại, và chỉ cần bất giác một lời nói, một hành động có một chút điểm giống nhau, có sự liên hệ nào đó, sẽ là nút “play” tua đi tua lại đoạn phim đó trong đầu. Nỗi đau cứ ngấm dần ngấm dần chẳng biết cách nào thoát ra khỏi nó.

Giọt nước mắt luôn làm cho người khác mủi lòng, sự câm lặng trong nỗi đau mới là thứ giết lần giết hồi chính họ. Nhưng cuộc sống hiện tại vẻ bề ngoài trở thành thước đo giá trị, và ăn theo thì nước mắt cũng để đo nỗi đau. Không ít kẻ dửng dưng đứng nhìn nỗi đau của người khác để thấy ta vĩ đại.

Càng nhiều tuổi lại thấy bản thân càng trở nên ngu dại hơn. Đơn giản khi bé biết phân biệt đúng sai. Còn giờ thì đến phân định giữa đúng sai cũng rất mù mờ. Khi đối diện với một người, chẳng phải bên phải của mình là bên trái của họ sao? Cùng hướng về nhau nhưng bên trái của tôi lại là bên phải của bạn.

Tôi trước đây là loại người tủ quần áo luôn được sắp xếp theo trật tự, giày cũng phải được để theo thứ tự của nó, chỉ cần ai mó tay đến bàn học của mình là tôi biết ngay, vì vị trí món đồ thường bị xê dịch. Và nhớ rất rõ vị trí từng quyển sách trên cái giá sách của mình. Còn giờ thì đến phơi đồ tôi cũng chả thèm giũ cho phẳng trước, quần áo thì vứt lung tung, chả biết đâu là đâu. Ngày xửa ngày xưa, khi kết hợp đồ để ra ngoài tôi mất cả tiếng, giờ thì cái nào ở trước mặt tôi thì tôi mặc cái ấy. Tôi thay đổi đến mức chính tôi chẳng thể tin nổi.

Tôi của quá khứ và tôi của bây giờ, cái nào tốt hơn? Chẳng có chọn lựa nào cả, tất cả những điều đó là để thích nghi.

Đã thay đổi đến mức này, tôi lười khi phải biến đổi bản thân mình một lần nữa, chính xác hơn là tôi sợ phải thay đổi bản thân mình. Bởi không biết người khác vì sao thay đổi chính mình, nhưng tôi như ngày hôm nay, là do bị một cú sốc không biết phải vượt qua nó thế nào. Và lẽ dĩ nhiên, tôi rất sợ quá khứ lặp lại một lần nữa. Nhưng việc sợ hay không cũng vô ích thôi, tôi có thể thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống nhưng không thể thay đổi những điều cuộc sống đem lại cho mình.

Gần đây có vài người thắc mắc về khả năng kinh tế của tôi. Chuyện tôi có hay không, có gì là quan trọng. Câu hỏi khi tôi chưa kịp bước qua sinh nhật tuổi 17 của mình đến giờ là “khi tôi là người vô dụng và không có gì cả thì họ có bên cạnh tôi không?”. Theo năm tháng tôi thấy được câu trả lời, chỉ là tôi không thích câu trả lời đó nên vẫn kéo dài thời gian cho câu hỏi để tìm một đáp án khác.

Tôi đã từng mất, nên tôi nhận ra việc để có rất khó, nhưng để mất rất dễ. Chẳng có gì đảm bảo được tôi có thể giữ những gì tôi đang có. Vậy thì cứ sống như một người chẳng có gì thì tốt hơn, đó cũng là cách tôi đối diện với việc phải mất.

Tôi không đủ khôn ngoan để ganh đua với đời, càng không đủ bản lĩnh để khẳng định mình là ai. Tôi chỉ là một kẻ ngốc tìm kiếm tháng ngày bình yên trong cuộc sống mà thôi. Đã rất nhiều lần, tôi nói đến mỏi cả miệng là tôi không quan tâm bạn là ai, tôi chỉ quan tâm việc bạn đối xử với tôi thế nào. Nhưng lời kẻ ngốc thì chẳng ai muốn nghe cả.

Tôi vẫn muốn là kẻ ngốc sống hết phần còn lại của cuộc đời mình, một kẻ ngốc được sống những tháng ngày thanh thản.

Thông minh dùng để bảo vệ bản thân mình, đừng dùng nó để chà đạp người khác.


PHML