PHML's Diary

Tuesday, July 28, 2009

chuyện phiếm ở lớp


Lớp tôi học đủ mọi lứa tuổi, lớn có trẻ có. Chiếm đa số là sinh viên, hay người mới ra trường. Còn lại một ít là những người thuộc “băm”.

Trong các buổi phát biểu ý kiến tôi luôn chăm chú lắng nghe, đơn giản là để định hình xem họ thuộc tuýp người nào. Thỉnh thoảng tôi thấy vui với việc kiểm tra khả năng đánh giá con người của mình. Mặc dù ở đời sống thực tế tôi là con người thất bại.

Ở lớp tôi không thân thiện lắm với chung quanh, tôi không thích đổi chỗ ngồi, tôi luôn tránh việc trò chuyện xung quanh đời tư. Tôi ghét phải nói về thất bại của mình, cũng chả thích khoe khoang những gì đã là xưa cũ.

Một số người trong lớp tôi nói trắng ra là không thích lắm. Phong cách của họ làm tôi thấy buồn cười, nhưng những va chạm cuộc sống sẽ cho họ biết vị trí mình ở đâu. Còn không thể xác định được vị trí của mình thì làm sao biết được mình đang tiến hay lùi.

Có những người bước vào lớp là mở laptop, nhưng mở để đó chứ chả sử dụng mục đích gì. Có những người thì để di động lên bàn, tôi cứ nghĩ là họ ghi âm lại buổi học, nhưng không, để đó khè thiên hạ chơi. Mỗi người có một cách sống, tôi nghĩ mình nên tôn trọng. Nhưng đôi khi họ lại dạy đời tôi bằng những câu nói ngu ngơ, điều đó khó làm tôi đánh giá cao họ được. Laptop ư? Tôi đã sở hữu nó cách đây 5-6 năm về trước khi di động còn chưa phổ biến ở VN.

Khi đứng lên phát biểu ý kiến tôi thấy đa số những người trẻ tuổi luôn vẽ ra cho mình một ước mơ hoành tráng. Đó là điều tích cực! Nhưng đừng xem thường những ước mơ nhỏ nhoi của người khác.

Hôm nay có một người lớn tuổi phát biểu ý kiến của mình, anh làm tôi khá ngạc nhiên khi nói về thất bại của mình thay cho những gì đã đạt được. Bản thân tôi thấy rất thú vị, vì đơn giản thành công quá xa vời với tôi, còn thất bại luôn lởn vởn chung quanh nên ráng mà biết nó để tránh. Dù rằng chả ai có thể học được chữ “ngờ” cả.

Khi bạn đang đắm chìm trên đỉnh cao khó mà nhận ra tảng đá dưới chân mình đang rung rinh.


Đi ngủ, tối còn đi học. Chán quá! Không muốn học chỉ muốn chơi thôi. Hè mà sao không được đi chơi Photobucket

Mẹ ơi, con muốn đi Bình Dương uống cafe. Ở nhà hoài chán lắm Photobucket




PHML

Wednesday, July 22, 2009

buông tay

Nguồn ảnh: sưu tầm

Muốn sớm chấp dứt một mối quan hệ với một người. Nhưng… còn lắm băn khoăn.

Hy vọng rằng người có thể từ bỏ tôi sớm hơn khi tôi nói lời bỏ người. Bởi đáng ra tôi phải là người bị bỏ. Từ trước tới giờ tôi luôn là người mở lời nói từ bỏ, nhưng trong lòng ai bỏ ai trước thì chỉ có người trong cuộc rõ nhất.

Tôi thích sự rõ ràng. Đã có gan tiếp cận một người, đã dũng cảm để bắt dầu một mối quan hệ, cũng nên dũng cảm cắt đứt nó. Tôi không thích chấm dứt trong im lặng, bởi cuộc đời tôi đã quá đủ những việc phải lặng câm.

Lần này không phải do tôi bắt đầu trước, nên hy vọng tôi cũng không phải là người nói kết thúc trước. Hy vọng người có thể làm điều ấy như món quà tốt đẹp cuối cùng dành cho tôi. Dù sao đi nữa thì tôi đã từ bỏ rất nhiều thứ rồi, có từ bỏ thêm cũng chẳng sao cả. Nhưng trong đời tôi muốn có cảm giác một lần bị bỏ một cách rõ ràng.

Người có thể từ bỏ tôi không?


PHML

Saturday, July 18, 2009

Bói toán

Nguồn ảnh: sưu tầm

Tình hình ghé blog 1 người thấy nói về chuyện bói toán, thấy vui vui. Từ xưa tới giờ đi xem bói nhiều nhưng quả thật mình không tin lắm, vì họ nói có cái đúng cái sai, không đúng hoàn toàn. Muốn rủ bạn bè cùng đi xem bói nhưng chả đứa nào chịu đi chung với mình vì bận đi với người yêu, thậm chí còn nói “đi xem bói với mày tủi thân lắm!”. Hic, mình không tủi thân thì thui, lấy gì tụi nó tủi thân.

Thầy phán chung quy lại rằng số mình nhỏ cha mẹ nuôi, lớn chồng nuôi, già con nuôi, không phải lo về vật chất, nhưng rất hay bất hoà với gia đình nên khổ tâm. Nhưng mà mình thì không có giàu lớn, chỉ đủ ăn thôi. Đường công danh thì nếu hướng về quan lộ sẽ gặp nhiều trắc trở (chắc mình sẽ ăn hối lộ nên dễ bóc lịch á?). Còn chọn kinh doanh thì sẽ thuận lợi hơn vì có nhiều người giúp đỡ (tình hình là em đang muốn sửa nhà lên 5 tấm, có ai cho tiền giúp đỡ em không?).

Đôi khi thấy bạn bè lo ngay ngáy chuyện thầy phán, nhưng mình thì thuộc dạng chán sống, nên cũng chả nghĩ nhiều. Thầy phán nghèo thì có tiết kiệm, làm gì cũng nghèo, tiền không ra ngõ này cũng ra ngõ khác, thôi cứ ăn xài xả láng, vì cũng có giàu được đâu. Thầy phán giàu, thì dù phá cỡ nào đến cuối đời vẫn giàu, mình chết rồi, ai nghèo cũng chả thể quan tâm được. Nên cứ ăn xài thả phanh, số mình nó giàu thì cứ khi sắp hết tiền tự động có nguồn lợi chui vào.

Còn về sướng khổ thì ai gặp mình cũng bảo mình sướng thân nhưng khổ tâm. Cái này thì nhìn tướng đoán mò cũng ra. Mình có làn da khá trắng, có thể nói là trắng nhất lớp, thậm chí mình còn tự tin tới mức nếu người ta có đi tẩy trắng da thì cũng trắng được cỡ mình. Bàn tay không phải búp măng nhưng khá mềm và ngón dài. Nhìn tướng mình thì chả ai nói mình vất vả cả. Còn khổ tâm? Chẳng biết có không? Sống trên đời này ai không giữ riêng cho mình những nỗi buồn thầm kín? Bạn bè mà là con gái chưa nghe đứa nào khen mình, nhưng các quý ông thì thi thoảng vẫn bảo rằng “mắt em buồn quá!”. Mình cười toe toét đáp lại “chắc lại thiếu ngủ anh ơi!”

Bạn bè lần lượt có tình yêu, thậm chí vài mối tình. Còn mình cứ trơ như cây không lá. Sự vui của mình vài năm gần đây là cố tỏ vẻ thật hạnh phúc để tự thấy mình hạnh phúc, hay ít ra người thân mình nhìn mình cũng an tâm vì mình đang hạnh phúc. Những ngày này thì mình đang cố gắng hưởng thụ từng ngày mình sống, vì có linh cảm mình sẽ sống không lâu? (chắc do ở không quá kiếm chuyện lo vu vơ, sợ vớ vẩn). Mình cảm thấy sống như một người vô dụng, đầu óc rỗng không và tâm tư trống toát rất thích hợp với mình, hình như mình xây dựng hình ảnh bản thân theo style này rất thành công.

Nếu có thể chọn con đường đời mình sẽ đi, mình muốn sống một cuộc sống yên tĩnh ở một nơi lặng lẽ. Buổi sáng thức dậy được nhìn thấy mặt người thân yêu, ngắm bình minh cùng một ly sữa ấm. Buổi trưa ngồi dưới tán cây nhìn ánh sáng lấp lánh chiếu rọi dưới mặt hồ. Buổi chiều thấy hoàng hôn dần khuất dần, những cành hoa cúi đầu đi ngủ. Đêm đến có thể thấy những vì sao và đem nó vào giấc mơ. Cuộc đời có yên bình đến thế? Hay do tâm người còn nhiều dao động?

Ai cũng bảo đang cố gắng kiếm tiền để thực hiện giấc mơ. Nhưng tiền bao nhiêu là đủ? Giấc mơ có dừng lại ở đó? Vô dụng như mình thì đi đến bao giờ mới tới đích, nên cảm thấy hài lòng với hiện tại. Chỉ muốn hưởng thụ từng ngày đang sống thôi, nhưng hình như cũng không thể!

Số mình nó thế, cứ thế mà sống, mình chả cả gan cãi lại số trời. Hehehe, cứ sống hết lòng cho người mình thương yêu, không bon chen giành giật với đời, hy vọng rằng khi nằm xuống không phải hối tiếc.

Đang hết tiền xài, kiếm đâu ra ông chồng nuôi mình đây? Mà ở đời thì:
"Cơm người khổ lắm ai ơi
Không như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn"

Cơm mẹ ăn mà nhiều khi nước mắt lưng tròng, cơm người ăn chắc khóc ra máu quá!



PHML

Thursday, July 16, 2009

the price of fame???

Nguồn ảnh: sưu tầm

Next week, my english class has a discussion about “the price of famous”. Wow, I think it’s an interesting topic. But I don’t know how to talk about this. My teacher always have some questions for topic, but today he don’t have any question. Yeah, no question makes me feel difficult problem.

I don’t want to become a famous person, and I cann’t become a famous person. I thinks a quiet life appropriate for me. Famous persons usually lie, not all but all most. And now, the scandals’s popular when they – famous persons use to shine themselves.

Oh, the price of fame! I’m not famous, how to know the price?

Next week, my classmates will talk about this topic. I can learn from them.



PHML

tưởng niệm 360 ^_^


360 chết thì cũng hết xài yahoo. Còn sử dụng mỗi Y!M thui. Rảnh rang sẽ mò mẫm cách dùng tài khoản google chat với tài khoản yahoo. Lúc đó tạm biệt yahoo luôn.


PHML

Tuesday, July 14, 2009

vé đôi

Nguồn ảnh: sưu tầm

Đôi khi mọi thứ đều phải một mình thì cảm thấy cô đơn trống trải lạ. Nhưng để bắt đầu một mối quan hệ thấy ngán ngẫm, tiến sâu hơn với một mối quan hệ cũ rích thấy băn khoăn. Cứ yên lặng nhìn họ đến rồi đi, chỉ kịp nhoẻn miệng cười.

Café một mình giờ đã quá thường.

Lang thang phố một mình thì tuần nào cũng thế.

Rồi có những dịp đặc biệt, hay là bản thân tự bảo là đặc biệt chả vì lý do gì, tự tổ chức bữa tiệc, tự tham dự, nến lung linh cũng chỉ có một mình.

Đi ăn nhà hàng lại lót tót một mình vào, nhìn chung quanh chả ai dở hơi giống mình. Mọi người cũng nhìn mình, rồi lại tiếp tục không khí đông vui của bàn họ.

Xem phim một mình, thấy thú vị vì có thể thưởng thức trọn vẹn một bộ phim.

Và nay lại đi xem kịch một mình.

Vé là vé đôi, nên khi vừa bước vào thì lại bị hỏi:
- Có ai đi cùng không?
- Dạ không
- Vé này vé đôi, em không biết à?
- À, em thích đi một mình.

Vào chỗ ngồi thì lại bị hỏi tiếp
- Em đi một mình à?
- Vâng, em đi một mình.
- Hình như vé mời, sao không rủ bạn cùng đi.
- Bạn bận.
- Thì rủ người khác.
- Em không có người khác.
- Nhìn em rất quen.
- Thế ạ.
- Đi một mình thì buồn không?
- Không. (hỏi nhiều quá làm mình thấy buồn lòng)

Một mình quá lâu, nên nhiều khi thấy bức bối khi ai đó xen ngang vào cuộc sống. Tìm mọi cách để tìm lại cân bằng trong thế giới của mình. Mình không thích các mối quan hệ được đánh giá qua số lượng, đơn giản vì số lượng quá nhiều chỉ thấy sự rỗng không. Chỉ muốn tìm 1 người, duy nhất một người có thể chấp nhận bản chất con người mình. Một người mình có thể sống thật như chính mình. Một người khi bên cạnh họ mình có thể rơi nước mắt nhưng hạnh phúc khi hướng về họ.

Hình như trên thế giới hơn 6 tỷ người không tồn tại con người đó.

Tuần sau lại có vé mời đi xem kịch! Mình chỉ thấy thoải mái khi đi một mình, lại phí thêm một vé đôi rồi.



PHML

Friday, July 10, 2009

Kể khổ

Nguồn ảnh: sưu tầm

Sắp đói!

Tháng vừa rồi xài quá đà, dù sao cũng sinh nhật mình mừ. Càng buồn tiêu tiền càng bạo.

Mua bộ nữ trang đi đứt tiền để dành từ hồi tết tới giờ. Đóng tiền học phí. Đó là 2 khoảng chi tiêu tốn kém nhất. Kết quả thâm hụt tiền “chết” gần 5M.

Tuần trước nghe tin người ta thông báo trả nhà. Vậy là lại mất một tháng tiền nhà vì dịch vụ phí. Sẽ sống bằng gì đây?

Mẹ thông báo sẽ ăn chay 49 ngày. Có nghĩa là mình sẽ phải kham thêm tiền chợ 49 ngày. Tiền ở đâu ra đây?

Còn nợ 2 chầu vì vụ thi đậu phải khao, tuần nào cũng thấy nhắn tin nhắc. Và một vụ cá cược, nhưng vụ cá cược thì được khất đến khi nào có thì trả.

Còn một món quà phải mua cho mom. Bán vàng hay đô thì cũng phải mua. Tiền mất có thể kiếm được, nhưng người mà mất rồi thì không thể hưởng được.


Tự dưng làm mình nhớ đến chuyện cách đây 2 năm. Lúc ấy ngày hôm trước vừa đem laptop đi sửa và thay đầu đọc mất hết 168$, chi tiền sửa nhà hơn 3M, ngày hôm sau mất mobile. Không muốn cho mẹ biết, bà lại cằn nhằn nghe nhức đầu, nên định bụng mua lại cái y chang, nhưng đào đâu ra tiền?

Mình kể cho vài người nghe thì họ liền tránh khéo, dù chỉ đơn giản là kể cho bỏ tức, khi không mất vô cớ thui, chả có ý gì là mượn cả. Đời mình có chết cũng không đi vay nợ mà. Tiền mặt chỉ còn hơn 500k, nhưng khoảng 1 tuần sau mới đến đợt rút ngân hàng. Mình chỉ có 2 ngày để mua phone mới mà không bị nghi ngờ. Có rất nhiều người trong lúc đó có thể giúp mình, nhưng…

Mấy chị thì chỉ mở miệng là có ngay, vì hiểu rõ tình hình tài chính nhà mình. Tiếc một điều, các chị nào hiểu rõ nhà mình thì cũng biết rõ mẹ mình. Điều đó không nên khi làm một điều gì đó giấu mẹ.
Còn vài người thì đâm ra sợ gặp mặt mình.

Hôm ấy rủ một vài đứa đi uống nước cho đỡ buồn, không ai rảnh cả. Đời mình là thế, khi cần 1 người bên cạnh để thấy đỡ trống cũng chả có ai cả. Nhưng may là hôm ấy HL tự dưng rủ mình đi ăn, rồi đưa mình 500k, bảo là chỉ giúp được như thế thui. Có lẽ HL không biết mình đã biết ơn thế nào, dù rằng số tiền ấy chả làm gì được cả. Mình cầm và cám ơn, hứa là 3 ngày nữa trả. Tiền ấy cũng chỉ cầm bỏ ví cho đỡ trống mà thui. Gom lại không cách nào đủ để mua lại phone y chang cả.

Rốt cuộc thì phải rút tiền trước kỳ hạn, mất cả tiền lãi. HL dù không giúp được mình, nhưng bản thân mình chưa bao giờ quên những gì HL đã làm cho mình cả. Cái ơn không phải chỉ được hình thành khi việc được giúp mỹ mãn, mà chỉ cần có thể hiểu được tấm lòng cho nhau thôi.

3 ngày sau, mình đem tiền vào lớp trả cho HL, và rối rít cảm ơn. Mình bảo rằng thiếu vừa đúng 500k thì HL giúp, không thì mình tiêu rồi. Không ít người bảo mình phải khao một chầu rửa phone mới đi. Đời có rất nhiều người chả làm gì nhưng luôn muốn hưởng ké thành quả của người khác.


Lại có một dịp tốt để thử lòng nhau nhỉ.
Đôi khi mình không biết nên sống như thế nào?
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”
Hay là
“Vàng thật chẳng phải đồng thau
Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng”


PHML

Monday, July 6, 2009

8 mẩu suy nghĩ về giới trẻ và “Élite” (*) trẻ

Source: http://dantri.com.vn

Tôi quan sát thấy giới trẻ hiện nay ngông cuồng liều lĩnh hơn, muốn chứng tỏ, muốn làm khác người hơn thời bọn tôi…


1- Tiếp xúc với các bạn trẻ, ở tầng lớp có học, một điều dễ nhận thấy là sự tự tin. Tự tin lắm. Khác với với bọn tôi khi còn trẻ thường rất rụt rè, nhất là đứng trước những người lớn tuổi, những người từng trải hơn mình, những người có tên tuổi, địa vị hơn mình. Nhưng tự tin do không hiểu mình ở đâu, mình nói với ai nói tóm lại do không hiểu mình thật sự là ai thì...

Nói chuyện với tôi vài lần, một nhạc sĩ trẻ tâm sự “Bây giờ cháu mới hiểu, cháu cũng không giỏi hơn chú” (dĩ nhiên có thể bạn ấy giỏi hơn, nhưng tự cho người khác kém mình khi chưa biết gì nhiều về người ấy thì không ổn lắm).

Tôi có cảm tưởng các bạn trẻ biết nhiều nhưng sự hiểu lại không được như thế. Khi không có sự cân bằng cần thiết người ta dễ trở thành kẻ ba hoa mà không hay biết, khiến thái độ tự tin của ta trở thành sự thiển cận đáng ghét.

Hiểu biết phải được tích lũy từ nhỏ, nó không đơn giản chỉ là việc tiếp thu kiến thức khi ta còn ngồi trên ghế nhà trường, càng không chỉ là vấn đề tự học, cũng không chỉ bằng việc đọc, nghe xem (đấy là chưa nói tới việc đọc xem nghe cái gì) mà còn là những va chạm, trải nghiệm trong cuộc đời thực, là việc chúng ta sử dụng quĩ thời gian như thế nào cho việc tích lũy, là việc cơ thể của chúng ta được sống như thế nào (cơ bắp có thường xuyên vận động không, năm giác quan: thính giác, thị giác, khứu giác, xúc giác, vị giác có được sống phong phú?). Hiểu biết được hình thành như thế làm nên sự tự tin.Cái tự tin ấy mới thật đáng quí và có lẽ nó là một trong những phẩm chất hàng đầu cần phải có nếu ta muốn thành công.


2- Tôi quan sát thấy giới trẻ hiện nay ngông cuồng liều lĩnh hơn, muốn chứng tỏ, muốn làm khác người hơn thời bọn tôi. Ngông cuồng, liều lĩnh (chứ không phải là sự táo bạo), muốn chứng tỏ (chứ không phải là tự tôn), muốn làm khác người (chứ không phải là có cá tính) là những nét tâm lý thông thường thuộc về lứa tuổi là cái trẻ của tuổi mà gọi đúng chữ là trẻ con.

“Trẻ con” lâu quá là một điều không hay. Cái chúng ta cần là cái trẻ của sống chứ không phải là cái trẻ của tuổi, sống trẻ chứ không phải trẻ con. Các bạn trẻ lớn lên trong hoàn cảnh xã hội khác bọn tôi, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nhưng được gia đình và xã hội nuông chiều quá nên cái sự “trẻ con” này lâu quá có lẽ là điều khó thể tránh khỏi.

Thi sĩ Tản Đà đã từng than thở: Dân ba mươi triệu đâu người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con.

Chính là cái trẻ con này đó. Sự trưởng thành của một thế hệ không tính bằng số tiền họ kiếm được mà bằng cái tầm văn hóa mà họ đạt tới, nhưng tôi nghĩ rằng nhiều bạn trẻ đã nghĩ khác.

Biết kiếm tiền và kiếm được nhiều tiền, tuổi trẻ bây giờ khôn ngoan hơn thời bọn tôi nhiều lắm. Trong hoạt động văn hóa, họ “tiếp thị” rất giỏi và biết cách tự lăng xê mình. Hãy tham dự những cuộc triển lãm, những cuộc trình diễn, hãy đọc báo chí xem họ viết về họ thì sẽ hiểu thế hệ bọn tôi là một thế hệ khờ khạo. Trong một bài báo tôi có viết: “Khôn khéo lọc lõi là phẩm chất của sự già nua. Ngông cuồng muốn tỏ ra, muốn khác người lại là tính khí trẻ con. “Trẻ con” không làm ra nghệ thuật và sự “già nua” cũng thế” (Sống trẻ-Doanh nhân cuối tuần). Mà đâu chỉ ở trong nghệ thuật. Điều này đúng hầu như ở mọi lĩnh vực. Một thế hệ tốt không thể đồng sở hữu một lúc cả hai “phẩm chất” đối nghịch như thế.


3- Tôi sống trong hẻm, suốt ngày nhạc thị trường, không muốn nghe cũng phải nghe. Trong hàng ngàn câu hát có một câu tôi bị nghe nhiều lần: “Tình yêu đến anh chẳng cần chi, tình yêu đi anh không hề hối tiếc”. Một sự vô cảm khủng khiếp. Dĩ nhiên đây chỉ là một câu hát, người viết ra nó, người nghe nó là giới trẻ song chắc không phải là những người tinh hoa trẻ tuổi nhưng nó vẫn khiến ta lo ngại và thật sự là một lời cảnh báo.

Trong vòng hơn chục năm trở lại đây dấu hiệu của sự vô cảm ngày càng rõ. Nội tâm nghèo nàn, phản ứng yếu ớt trước cái xấu, trước sự tha hóa, thích sự hào nhoáng choáng lộn bên ngoài, đánh mất phản ứng với cái giả... là những biểu hiện rõ nhất.

Đi theo sự vô cảm là một lối sống và một cách nghĩ cũng rất “có vấn đề”. Đập vào mắt tôi hàng ngày là những tấm biển quảng cáo của một hãng mỹ phẩm có một câu slogan “để đời”: “Sống là không chờ đợi”. Đây không phải là một câu nói chơi nếu ta nhìn vào những gì đang diễn ra hiện nay. Các bạn trẻ rất ưa chuộng thời trang và đổi mốt liên tục. Cái chưa thành đã phá bỏ để thay vào một cái khác, cuối cùng chẳng thành một cái gì cả. Cho nên chữ “đổi mới” có nguy cơ biến thành nơi ẩn náu của sự phá hoại.

Sống gấp, sống vội, sống với cái trước mắt, không nhìn thấy muốn làm được một cái gì đó phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phải có một quá trình, đương nhiên các bạn sẽ nôn nóng, thiếu kiên nhẫn, một thói xấu tai hại cản trở sự phát triển và ngăn trở người ta đến với thành công đích thực. Nếu giới trẻ quả thật là như thế thì elité (tinh hoa) của họ sẽ ra sao?


4- Tôi thường nhận được một câu như thế này ở những người bạn trẻ tuổi: “Chú đúng là lơ mơ thật, chẳng thực tế một chút nào”. Quả thật các bạn trẻ đã nhận ra sự vượt trội của họ trong chuyện này. Tôi thì đã đành, lơ mơ bẩm sinh. Còn bạn bè tôi không đến nỗi tệ như thế, nhưng tôi thừa nhận là họ, so với lớp trẻ hậu sinh cũng “chẳng thực tế chút nào”. Tuy nhiên có một điều ta cần để ý là ranh giới giữa thực tế và thực dụng rất mong manh.

Trong cuộc sống, thực tế là tối cần thiết nhưng thực dụng thì nguy hiểm. Người thực dụng thì được nhiều (những giá trị vật chất) nhưng cũng mất nhiều (những giá trị tinh thần, thứ mà tiền bạc không thể mua được). Không biết các bạn đã suy nghĩ kỹ về điều này chưa.


5- Mục đích của việc học tập là để tạo dựng tri thức nền tảng (văn hóa nền), hoàn thiện nhân cách và phát triển cơ thể để làm người. Giới trẻ bây giờ được sự ủng hộ của gia đình và xã hội có mục đích học cụ thể hơn nhiều: Học nhằm kiếm mảnh bằng để làm quan và để làm giầu. Việc hoàn thiện nhân cách và văn hóa nền bị đặt xuống hàng thứ yếu. Kết quả nằm ở những mẩu đối thoại sau đây:

- Bạn có lý tưởng không?
- Không!
- Bạn có mục đích sống không?
- Có.
- Mục đích ấy là gì?
- Học ngành ngân hàng, quản trị kinh doanh hoặc luật để có một chỗ làm tốt, lương cao…

“Mãi mãi tuổi hai mươi có bằng cấp, chỗ làm tốt, lương cao”. Không thể “mãi mãi Đặng Thùy Trâm”. Đặng Thùy Trâm là một nhân vật của quá khứ, cái quá khứ một đi không trở lại và đang bị lãng quên mỗi ngày.

Thế hệ bọn tôi là Thế hệ Việt Minh. Thế hệ Đặng Thùy Trâm là Thế hệ Chống Mỹ Cứu Nước. Thế hệ sinh ra sau chiến tranh là thế hệ gì? Một câu hỏi mà tôi muốn các bạn trẻ trả lời..


6- Tôi có may mắn được làm việc cùng với các nhạc sĩ trẻ và có dịp tiếp xúc với một số bạn trẻ ở những ngành khác nhau. Nhiều người trong số họ là những nhân vật hàng đầu, tốt nghiệp ở những trường đại học danh tiếng ở nước ngoài. Có thể coi họ là những élite đương đại. Thông minh, sắc sảo, có kiến thức chuyên ngành rất sâu, rộng và mở trong suy nghĩ về con người và nhiều vấn đề xã hội, điều mà bọn tôi phần lớn là hẹp và đóng hơn. Khả năng thích ứng với môi trường mới tốt hơn bọn tôi nhiều.

Nhưng... có vẻ họ chỉ sống trong hiện tại, cho hiện tại. Quá khứ nhẹ bồng, đôi lúc họ thăm viếng nó như một khách du lịch, đôi lúc chơi với nó như một thứ trò chơi trong những ngày lễ hội. Tôi là một người-ngày-xưa, hay để ý đến chuyện gốc và mất gốc nên lờ mờ nghĩ rằng chừng vài chục năm nữa, nếu cứ đà như thế này chúng ta sẽ có một Việt Nam khác, quốc tế hơn cả Singapore. Nước Việt Nam ấy sẽ có nhiều chuyên gia giỏi, nhiều công nhân tay nghề cao làm việc cho các Hãng, các tập đoàn siêu quốc gia, sẽ sử dụng một thứ siêu ngôn ngữ có tỷ lệ 10% từ thuần Việt, 40% từ Hán Việt, 50% từ tiếng Anh (ví dụ khi viết thư tình, cụm từ “anh yêu em” cầm chắc sẽ được thay thế bằng “I love you”) và người giầu có sẽ mở tài khoản ở các ngân hàng Thụy Sĩ, mua bất động sản ở Singapore, ở Pháp, Anh Quốc và Mỹ để lấy chỗ cho con cái đi học và cho mình nghỉ ngơi (còn dân trung lưu sẽ mua nhà ở Vientiane, Luang Prabang bên Lào để một năm vài tháng sang đó thụ hưởng đời sống thanh bình). Tôi mong rằng cái ý nghĩ lờ mờ này chỉ là do bị ám ảnh bởi những suy tưởng sai lầm của mình.

Người Việt Nam tinh hoa trước tiên phải là một người nặng nợ với nơi mình sinh ra, yêu tiếng mẹ đẻ và nền văn hóa dân tộc rồi mới nói đến trình độ học thức, sự chuyên sâu và một năng lực thẩm mỹ cao dựa trên nền tảng văn hóa cơ bản vững vàng, dầy dặn. Người tinh hoa phải có khả năng tỏa sáng và lôi cuốn người khác trong những công việc mang lại lợi ích cho nhân dân và Tổ quốc mình. Tinh hoa không chỉ là giá trị trên phương diện nhận thức mà còn là giá trị trên phương diện hành động. “Trí thức trùm chăn” thì dù giỏi đến mấy, tinh tế đến mấy cũng không thể gọi là tinh hoa được. Và những “trí thức mất gốc” thì cũng thế.

7- Nhìn nhận giới trẻ như thế liệu có bi quan quá không?

Thời buổi này đáng sợ nhất là thái độ lạc quan tếu và sự ảo tưởng. Kết cục của nó sẽ là một bi quan tuyệt đối. Không ảo tưởng và cũng chẳng bi quan, cuộc sống là như thế. Những người có lương tâm một chút, hiểu biết một chút, ai cũng nhận ra sống bây giờ vui ít buồn nhiều bởi có rất nhiều cái chưa được, nhiều cái hỏng, nhiều sự thoái hóa ở ngay chính bản thân mình, của gia đình mình, của xã hội chứ chẳng cứ gì của giới trẻ.

Thật khó mà có thể cất cao giọng hát cái câu hát của anh Trịnh Công Sơn “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Không có nhiều niềm vui đến như thế để chúng ta chọn lựa. Tôi đã trải qua một cuộc sống gian khổ mới nghiệm ra rằng chính nỗi buồn chứ không phải niềm vui, mới là quan trọng. Nhờ nó mà ta sống tốt hơn, nhờ nó mà ước muốn đổi thay, nhờ nó mà đi tới.


8- Giới trẻ cũng có nhiều người hay, có những người thật sự là élite của xã hội mới, ở nhiều khía cạnh họ tinh hoa hơn bọn tôi nhiều lắm. Nhưng người élite trẻ thì có, còn giới élite trẻ thì chưa. Thế hệ bọn tôi cũng thế, cũng chưa nốt. Chỉ có thế hệ các cụ, những người tinh hoa làm thành hẳn một tầng lớp xã hội, tầng lớp này tham gia cách mạng trở thành những nhân vật chủ chốt của một cuộc lật đổ ngoạn mục nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại: Lật đổ chế độ thực dân xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một quốc gia độc lập có chủ quyền đầu tiên trong hệ thống thuộc địa Pháp…

Vậy làm thế nào để những người tinh hoa trẻ trở thành một tầng lớp, một lực lượng có vai trò dẫn đạo xã hội như các cụ ngày xưa (và như tất cả những gì mà giới élite ở các quốc gia phát triển khác làm được)? Người tinh hoa chẳng thể từ trên trời rơi xuống, nó vẫn là sản phẩm của một nền giáo dục, một hệ thống chính trị và một cấu trúc xã hội nhất định. Giới trẻ hiện nay chính là sản phẩm của nền giáo dục, hệ thống chính trị và cấu trúc xã hội của chúng ta. Tìm ra những khiếm khuyết của giới trẻ rồi đổ lỗi cho họ là sai lầm, là vô trách nhiệm.
Làm thế nào để có nhiều người trẻ tinh hoa, và để những người trẻ này liên kết với nhau thành thành một giới, một lực lượng giữ vai trò quyêt định tương lai của dân tộc? Câu hỏi này dành cho những nhà hoạch định chính sách, những nhà quản lý và có thể là cả túi tiền của các đại gia.

(*) tạm dịch là tinh hoa.


Dương Thụ
Theo Vietnamnet